Đặc trưng cơ bản của pháp luật EU về các biện pháp phòng vệ thương mại?

09/12/2022 03:30 - 153 lượt xem

Về cơ bản các quy định của EU về các biện pháp phòng vệ thương mại đều được xây dựng dựa trên các nguyên tắc liên quan của WTO trong các Hiệp định về chống bán phá giá (ADA), Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng (SCM) và Hiệp định về Biện pháp tự vệ (SG). Vì vậy chúng có nội dung chính gần tương tự như quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước thành viên WTO khác.

 

Tuy nhiên, ngoài các nguyên tắc cơ bản đã nêu trong các Hiệp định liên quan của WTO, mỗi nước có quyền đưa ra các quy định chi tiết hóa hoặc bổ sung các quy định khác không trái với các nguyên tắc này. Trên cơ sở này, pháp luật EU về các biện pháp phòng vệ thương mại có một số điểm đặc trưng riêng, đặc biệt là:

 

- Về điều kiện áp dụng biện pháp phòng vệ: Ngoài các điều kiện chung như nhiều nước, EU còn bổ sung thêm điều kiện “việc áp dụng biện pháp đó là phù hợp với lợi ích của Cộng đồng”;

 

- Về thủ tục điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ: (i) Chỉ có một cơ quan điều tra về mức bán phá giá/trợ cấp và điều tra về thiệt hại - Ủy ban Châu Âu (EC); và (ii) Đề xuất áp dụng thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp/biện pháp tự vệ có thể bị phủ quyết nếu đa số các nước thành viên phản đối.

 

Lưu ý với doanh nghiệp

 

(i) Việc pháp luật EU phải tuân thủ các nguyên tắc của WTO về các biện pháp phòng vệ thương mại đem lại một số thuận lợi mà doanh nghiệp cần lưu ý:

 

- Có thể viện dẫn các quy định của WTO để buộc các cơ quan có thẩm quyền của EU phải đảm bảo các quyền của doanh nghiệp (đặc biệt là các quyền được tiếp cận thông tin, được thông báo về các căn cứ ra quyết định…)

 

- Có thể đề xuất Chính phủ khiếu kiện ra WTO theo Cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO để phản đối các hành động hay quyết định cụ thể của EU (trong một vụ kiện thực tế) hoặc các quy định của EU (không cần gắn với vụ việc cụ thể nào).

 

(ii) Những khác biệt đặc trưng của pháp luật EU đều theo hướng thuận lợi cho việc kháng kiện của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần chú ý để tận dụng được lợi thế này, ví dụ:

 

- Có thể tiến hành vận động (các nước, các nhóm lợi ích) có cùng quan điểm với Việt Nam để chứng minh “việc áp thuế là mâu thuẫn với lợi ích Cộng đồng” để thoát khỏi thuế này dù có đầy đủ các điều kiện áp thuế khác;

 

- Có thể vận động để các nước bỏ phiếu chống lại đề xuất áp thuế ngay cả khi đã có kết luận có đầy đủ các điều kiện để áp thuế (trong khi với Hoa Kỳ, Bộ trưởng Thương mại ra quyết định áp thuế gần như tự động nếu các cơ quan điều tra xác định tồn tại đủ các điều kiện áp thuế).

 

(iii) EU bổ sung thêm một điều kiện bắt buộc phải có để áp dụng biện pháp phòng vệ. Như vậy việc áp dụng các biện pháp này sẽ khó khăn hơn các nước khác, và do đó doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng đặc biệt này.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI

Quảng cáo sản phẩm