Vai trò của Hiệp hội ngành hàng trong việc kháng kiện tại EU?

10/12/2022 04:05 - 46 lượt xem

 

Các Hiệp hội ngành hàng có liên quan đến vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp (hiệp hội có đa số thành viên là các doanh nghiệp bị đơn trong một vụ điều tra) tham gia vào quá trình điều tra với 02 vai:

 

- Là một Bên liên quan chính thức của vụ điều tra

- Là điểm kết nối và thống nhất hành động của các doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn.

 

Với tư cách là một bên liên quan của vụ điều tra

 

Là một bên trong vụ điều tra, Hiệp hội thực hiện việc cung cấp thông tin, đưa ra quan điểm, lập luận phản biện như bất kỳ bên nào trong vụ điều tra ở tất cả các bước của quá trình điều tra (trừ các nội dung có liên quan trực tiếp đến việc tính toán biên độ phá giá/trợ cấp cụ thể của từng doanh nghiệp bị đơn được lựa chọn).

 

Đặc biệt, trong vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, Hiệp hội đóng vai trò là chủ thể chính trong các hoạt động chứng minh liên quan đến các vấn đề chung của toàn ngành như:

 

- Lựa chọn bị đơn bắt buộc

- Lựa chọn nước thay thế;

- Thủ tục điều tra về thiệt hại và mối quan hệ nhân quả của ITC;

- Chứng minh các điều kiện để được hưởng quy chế nền kinh tế thị trường;

- Các vấn đề chung cần thiết khác (ví dụ chứng minh các yếu tố đặc trưng trong sản xuất của ngành (trong phân biệt với quy trình sản xuất của EU).

 

Như đã phân tích trong các phần trước, những vấn đề chung (đặc biệt là thủ tục tại ITC) có thể có tác động quyết định trong một số trường hợp đến kết quả chung của toàn bộ vụ điều tra. Vì vậy, những hoạt động kháng kiện liên quan đến những vấn đề này là rất quan trọng. Vai trò và hành động của các Hiệp hội ngành hàng, do đó, có ý nghĩa lớn đối với kết quả điều tra cho mỗi doanh nghiệp.

 

Trong thực tiễn kháng kiện tại EU, những hoạt động này vẫn có thể được từng doanh nghiệp bị đơn riêng lẻ thực hiện. Ví dụ doanh nghiệp có thể trực tiếp và/hoặc thông qua luật sư tư vấn đưa ý kiến, lập luận về việc tại sao mình nên được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc, phản biện và đề xuất về nước thay thế, tham gia trình bày tại các phiên điều trần về thiệt hại của ITC… Tuy nhiên, sự tham gia của Hiệp hội vẫn là không thể thay thế bởi Hiệp hội ngành hàng được xem là đại diện chung của cả ngành, được suy đoán là có thông tin chung về cả ngành và do đó những lợi thế trong việc cung cấp thông tin, giải trình và thuyết phục các cơ quan điều tra liên quan. Ngoài ra, việc tin tưởng và giao phó trách nhiệm chứng minh trong các vấn đề chung cho Hiệp hội có thể là một cách thức tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn có tập trung hơn vào việc chứng minh của riêng doanh nghiệp mình

 

Thực tế cho thấy những trường hợp chưa có Hiệp hội hoặc hiệp hội quá yếu không thể đảm trách được vai trò này, các doanh nghiệp thường rất vất vả trong việc kháng kiện và kết quả của vụ điều tra thường không được như mong muốn. Tất nhiên, điều này không thể được hiểu ngược lại là nếu có Hiệp hội tham gia và Hiệp hội mạnh thì kết quả vụ điều tra sẽ tốt đẹp cho các doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn nhưng rõ ràng rằng nếu không có sự tham gia tích cực và hiệu quả của Hiệp hội ngành hàng vào quá trình điều tra, thiệt hại đối với từng doanh nghiệp bị đơn từ các vụ điều tra sẽ bị nhân lên nhiều lần.

 

Với tư cách là điểm kết nối và thống nhất hành động của các doanh nghiệp xuất khẩu

 

Nếu việc tham gia kháng kiện với tư cách là một bên liên quan trong vụ điều tra của các Hiệp hội ngành hàng là hoạt động được luật hóa trong các quy định của phía EU (hiểu theo nghĩa hành động của Hiệp hội như thế nào, vào thời điểm nào, do ai thực hiện, theo trình tự nào đều phải tuân thủ các quy định tố tụng liên quan của phía EU) thì việc tham gia vào vụ kiện với tư cách là điểm kết nối và thống nhất hành động, chiến lược kháng kiện chung của các doanh nghiệp bị đơn xuất khẩu lại là hoạt động thuần túy nội bộ của phía bị đơn trong quá trình điều tra.

 

Vì vậy, việc kết nối các doanh nghiệp ra sao, thống nhất chiến lược kháng kiện như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của hiệp hội, doanh nghiệp với sự tư vấn của luật sư nhằm 02 mục tiêu cơ bản:

 

- Hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong hoạt động kháng kiện cụ thể của doanh nghiệp họ;

- Tạo điều kiện để hoạt động kháng kiện của cả ngành thông qua Hiệp hội được thực hiện thuận lợi và hiệu quả.

 

Trên thực tế, hoạt động kết nối hành động của doanh nghiệp mà các hiệp hội ngành hàng thực hiện thường tập trung vào việc:

 

-    Tập hợp các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan chuẩn bị cho việc kháng kiện (bao gồm cả việc chuẩn bị các nguồn quỹ phục vụ cho việc kháng kiện)
-    Tập hợp các thông tin thống kê phía nước xuất khẩu phục vụ cho việc phản bác các thông tin 
-    Cung cấp thông tin cập nhật, chính xác, đầy đủ về vụ điều tra;
-    Tìm kiếm và lựa chọn luật sư tư vấn phù hợp (cho từng doanh nghiệp và cho cả ngành)
-    Liên hệ với Chính phủ nước xuất khẩu để có hình thức hỗ trợ thích hợp;
-    Lên kế hoạch và triển khai các hoạt động vận động hành lang tại EU phục vụ cho việc kháng kiện (với các quan chức Chính phủ các nước tỏ thái độ trong vụ việc có thể có tiếng nói tác động đến hoạt động điều tra);
-    Thống nhất chiến lược và triển khai các hoạt động quan hệ công chúng tại EU (đặc biệt với các nhóm lợi ích có cùng quan điểm với doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn như các nhà nhập khẩu, các đơn vị bán lẻ, đại diện người tiêu dùng…) và ở nước xuất khẩu (tạo tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp cũng như sự ủng hộ của Chính phủ, người lao động, các đơn vị sản xuất đầu nguồn hoặc cuối nguồn, các đơn vị truyền thông…(sự ủng hộ trong nội địa nước xuất khẩu thường không có tác động trực tiếp đến diễn tiến vụ điều tra tại EU nhưng lại có tác dụng quan trọng đến nhận thức của doanh nghiệp xuất khẩu liên quan cũng như nỗ lực của Chính phủ khi thực hiện việc vận động hành lang cho vụ kiện trong khuôn khổ các hoạt động ngoại giao cấp Nhà nước với EU);
-    Lập và triển khai chiến lược kháng kiện của cả ngành trong từng giai đoạn cụ thể của vụ điều tra (ví dụ tính toán các mức độ cam kết thích hợp cho Thỏa thuận đình chỉ, khiếu kiện ra Tòa án EU, vận động Chính phủ khiếu kiện ra WTO…)

 

Vai trò khác

 

Ngoài những hoạt động có tác động trực tiếp trong việc kháng kiện, Hiệp hội ngành hàng còn đóng vai trò là đầu mối cho những hoạt động quan trọng trước và sau vụ điều tra. Đây là những hoạt động có thể được thực hiện bởi từng doanh nghiệp đơn lẻ nhưng sẽ không hiệu quả nếu thiếu hành động thống nhất của tất cả các doanh nghiệp trong ngành theo chiến lược chung của Hiệp hội ngành hàng. Cụ thể, Hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong:

 

- Các hoạt động phòng tránh

 

Các vụ kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau (trong đó đặc biệt là sự giảm sút khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất nội địa EU). Tuy nhiên, trong mọi vụ việc, cái cớ chính thức để nguyên đơn đi kiện bao giờ cũng là hiện tượng lượng hàng nhập khẩu tăng mạnh và giá xuất khẩu rẻ. Vì vậy, để tránh tạo cái cớ cho nguyên đơn đi kiện, ngành sản xuất xuất khẩu cần có sự thống nhất với các doanh nghiệp thành viên (tốt nhất là thông qua Hiệp hội) để có chiến lược chung trong việc:

 

- Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (tránh tập trung phát triển quá nóng một thị trường EU; có sự điều tiết lượng xuất khẩu hợp lý cho các thị trường khác khi nguy cơ bị kiện ở EU lớn hơn bình thường);

- Chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu;

- Xây dựng và duy trì một hệ thống quản trị doanh nghiệp và sổ sách kế toán minh bạch, đúng chuẩn (để có dữ liệu chứng minh sẵn sàng và có thể sử dụng được trong tất cả các trường hợp liên quan).

- Đối với các ngành gia công là chủ yếu: Chuyển dần từ hình thức sản xuất gia công là chủ yếu sang hình thức sản xuất/bán hàng chủ động (để chủ động hơn về giá);

- Đối với các nguy cơ kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp: Kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng hoặc biểu hiện lẩn tránh thuế từ nước khác (đặc biệt là chuyển khẩu gian lận xuất xứ).

 

Nếu chỉ một doanh nghiệp thực hiện các nỗ lực này thì kết quả sẽ rất hạn chế bởi các hiện tượng được xem xét chung từ tất cả các nhà xuất khẩu từ nước xuất khẩu liên quan. Vì vậy các chiến lược nhằm phòng tránh với các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp phải được thực hiện đồng thời và thống nhất bởi tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan. Hiêp hội ngành hàng là chủ thể được suy đoán là có thể thực hiện tốt nhất việc này.

 

- Các hoạt động xử lý hệ quả của vụ kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp

 

Các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp tại EU (đặc biệt đối với các nước xuất khẩu có nền kinh tế phi thị trường) thường kết thúc với những biện pháp thuế được áp dụng. Cạnh tranh vào thị trường EU của các doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn sau khi bị áp thuế sẽ bị ảnh hưởng (mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào kết quả của vụ điều tra). Khi đó, vai trò của Hiệp hội trong việc khắc phục rào cản thuế này sẽ rất có ý nghĩa, đặc biệt trong việc huy động doanh nghiệp, Chính phủ và các đơn vị xúc tiến thương mại khác trong việc:

 

- Tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho sản phẩm liên quan (kể cả việc tận dụng những ảnh hưởng có lợi trong khuếch trương thương hiệu từ vụ điều tra);

- Đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Việc tập hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp nói chung và trong khuôn khổ Hiệp hội ngành hàng nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến kết quả của vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp cũng như những việc trước và sau vụ điều tra. Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn muốn kháng kiện tốt, ngoài việc tập trung các nguồn lực cho việc kháng kiện của cá nhân doanh nghiệp mình, còn phải đặc biệt quan tâm đến việc liên kết với các nỗ lực của các doanh nghiệp khác trong khuôn khổ Hiệp hội mình.

 

Trong hoàn cảnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn rất yếu, các Hiệp hội hạn chế cả về nguồn vật chất và nhân lực, vấn đề chống bán phá giá, chống trợ cấp ở EU lại đặc biệc phức tạp, đây quả là một đòi hỏi khó khăn cho nhiều Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu. Trên thực tế, không nhiều Hiệp hội ngành hàng Việt Nam có nhận thức đúng và có nguồn lực đủ để thực hiện việc kháng kiện tại EU một cách bền bỉ, có chiến lược và bài bản như VASEP đã làm trong hai vụ kiện cá tra-basa và tôm. Ngoài ra, nguy cơ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng như cách thức đối phó cụ thể không giống nhau giữa các ngành hàng khác nhau, ở những thời điểm khác nhau.

 

Hộp - Vai trò của LEFASO trong vụ điều tra chống bán phá giá giầy mũ da Việt Nam tại EU

 

Vụ kiện chống bán phá giá đối với giầy mũ da Việt Nam là vụ điều tra chống bán phá giá lớn đầu tiên mà ngành da giầy Việt Nam gặp phải do EU khởi xướng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này (hai vụ kiện trước đó tại Canada đối với đế giầy cao su không thấm nước và vụ giầy dép tại EU tương đối nhỏ và chúng ta cũng đã thoát khỏi các vụ kiện này do lượng nhập khẩu vào nước sở tại không lớn và không gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa). Vì vậy ngành da giầy đã có không ít lúng túng và do đó đã hành xử chậm trễ trong thời gian đầu.

 

Tuy nhiên, sau đó với sự hướng dẫn của các cơ quan liên quan, LEFASO cũng đã thực hiện được nhiều việc góp phần quan trọng vào việc giảm bớt thiệt hại trong vụ việc này. Cụ thể, LEFASO đã:

 

-    Tập hợp doanh nghiệp để thông tin về các vấn đề liên quan cũng như phối hợp hành động (đặc biệt trong việc đề xuất danh sách các bị đơn bắt buộc);
-    Lựa chọn luật sư thích hợp cho vụ kiện theo sự hướng dẫn, gợi ý của các đơn vị liên quan
-    Cùng với các cơ quan liên quan thực hiện các hoạt động vận động hành lang thích hợp ở một loạt các nước EU.

 

Tuy nhiên LEFASO cũng có những điểm cần rút kinh nghiệm cho những vụ việc sau này, đó là:

 

-    Khả năng tập hợp và định hướng cách thức hành động trong vụ việc của LEFASO đối với các doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn tới những hạn chế về hiệu quả hành động chung;
-    Thiếu một cơ chế linh hoạt, thường xuyên để đối phó với những nguy cơ có thể xảy ra, vì vậy thường bị động trong các vụ việc, thậm chí trước các diễn biến khác nhau trong cùng một vụ kiện;
-    Sự thiếu chủ động trong việc phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ liên quan dẫn tới sự chậm trễ trong cách thức hành động và hiệu quả hành động.​​​​​

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm